Chia sẻ với các bác đang đi tìm mua máy laptop (cũ & mới) như sau:
1. Các hãng máy tính như HP, Dell, Lenovo… thường chia máy tính ra thành hai dòng riêng biệt là business & consumer. Business chuyên dành cho doanh nghiệp (vừa & nhỏ, lớn), còn consumer là cho gia đình.
2. Trong các dòng dành cho gia đình cũng chia thành nhiều phân khúc khác nhau, có thể phân chia thành 3 nhóm low-end, mid-end và hi-end. Những dòng hi-end thường thiên về giải trí hoặc mỏng và nhẹ (kiểu ultrabook). Dòng low-end thì thường vừa to vừa nặng, cấu hình cũng thường, không có tính năng gì đặc sắc. Các dòng gia đình thường được thiết kế bóng bẩy (kiểu màn hình gương như đã từng một thời được chuộng) nhưng vật liệu thường rẻ tiền (nhựa).
3. Các dòng cho doanh nghiệp thường thiên về nồi đồng cối đá, bảo hành thường cũng cao hơn (nhiều dòng biz của các hãng có bảo hành 3 năm), vật liệu thường cao cấp hơn (ví dụ hợp kim nhôm) và cũng chia ra làm 3 nhóm low-end, mid-end và hi-end. Trong nhóm hi-end của các hãng cũng có thể chia ra thêm thành laptop làm việc thông thường và laptop dạng trạm làm việc xách tay (mobile workstation)
4. Ví dụ Lenovo phân ra Thinkpad là dòng cho doanh nghiệp, Ideapad là dòng cho gia đình. Dell thì phân ra Inspiron là dành cho gia đình, dòng Vostro và Latitude là cho doanh nghiệp. HP thì Probook và Elitebook là cho doanh nghiệp, dòng HP hoặc Pavillion thì dành cho gia đình.
5. Có thể có thêm các trường hợp ultrabook (thin & light, mỏng và nhẹ) nhưng cũng thường chia ra dòng doanh nghiệp và gia đình. Có thể có máy tính lai giữa tablet và laptop nhưng thường màn hình khoảng 10in trở xuống.
6. Nếu mua máy tính cũ thì mua dòng cao cấp cho doanh nghiệp vì độ bền cao hơn, bảo hành của nó dài hơn (bảo hành nguyên gốc) và thường nguồn gốc của nó là bán thanh lý từ hàng của các công ty lớn thải ra hoặc là hàng refurbish (bảo hành và mông má lại).
7. Các dòng máy biz trong nhiều trường hợp được các khách hàng lớn đặt theo cấu hình riêng hoặc là đặt theo dạng thửa theo lô (build to custom) tức là xây dựng cấu hình theo từng đơn hàng. Chính vì vậy nhiều lô hàng biz cao cấp có nhiều tính năng hay mà dòng bình thường không có. Ví dụ ngày xưa tôi đã từng đặt những lô hàng Thinkpad có đèn soi bàn phím hoặc màn hình có độ phân giải cao hơn, có card màn hình rời…
Lựa chọn cấu hình:
1. Để lựa chọn máy phù hợp, đầu tiên phải xem nhu cầu sử dụng và ngân sách cho phép.
2. Ví dụ nhu cầu sử dụng văn phòng và ngân sách khoảng 8-10 triệu thì lúc đó sẽ xây cấu hình theo các tiêu chí ưu tiên rồi xem trong phân khúc giá đó có những dòng máy nào phù hợp.
3. Nếu tìm theo cấu hình, đầu tiên phải xem kích thước màn hình. Kích thước màn hình thường quyết định yếu tố cân nặng. Màn 15.6 chắc chắn nặng hơn màn 14in và thường thì màn 13in hoặc 12.5in sẽ rất nhẹ.
4. Sau khi xem màn hình phù hợp (văn phòng mà muốn xách đi lại thì phải nhỏ hơn hoặc bằng 14in để ở tầm 2kg đổ lại) thì xem đến CPU. Bên cạnh đó cũng xem luôn độ phân giải (càng cao càng tốt)
5. CPU thường có 2 dòng là tiết kiệm pin và dòng thường. Dòng tiết kiệm pin chắc chắn tính năng phải kém hơn dòng thường, nhưng được cái dòng tiết kiệm pin thì sẽ có thời gian dùng không cắm điện lâu hơn. Cái gì cũng có giá của nó.
6. RAM và ổ cứng (HDD hoặc/và SSD) là những tiêu chí cần quan tâm tiếp theo. Nói chung là RAM càng lớn càng tốt (kỹ hơn thì xem DDR3 hay cao hơn không), ổ cứng thì SSD đắt và tốt hơn HDD. Phần SSD thường thì khởi điểm ở dung lượng 128GB, cao hơn thì sẽ đắt tiền hơn.
7. Nếu làm thiết kế đồ họa hoặc video thì cần dùng card đồ họa rời (thường rất đắt)
8. Các cổng kết nối (USB, DVI, HDMI, VGA…) cũng là các yếu tố quan tâm
9. Các tính năng phụ trợ (vd đèn bàn phím) hoặc thời lượng pin (hay phụ thuộc vào loại pin và số cell)
10. Hệ điều hành, các loại driver cho cấu hình của máy có còn được hãng thứ 3 hỗ trợ không.