Skip to content

Tại sao tôi lại làm blog NgheNao?

Quá trình chọn khối, chọn trường, chọn ngành và chọn nghề thế nào là đúng?

Năm 2014, khi con gái thứ hai của tôi ôn để chuẩn bị thi vào cấp 3 (lớp 10), tôi có hỏi cháu rằng về sau con định làm nghề gì? Cháu trả lời con chưa biết. Lại hỏi là thế về sau con muốn trở thành người như thế nào? Cháu trả lời con chưa nghĩ tới. Dù có gặng hỏi hay trao đổi nhiều về việc về sau cháu trở thành người như thế nào, làm nghề gì, muốn đạt các mục tiêu như thế nào trong cuộc sống… nhưng những nội dung đó cháu chưa biết, chưa sẵn sàng và cũng chưa chuẩn bị.

Lại nói về con gái đầu của tôi, từ bé cháu đã học các lớp chọn về toán, nhưng lên đến cấp 3 thì cháu học khối D. Khi hỏi con muốn học ngành gì và về sau làm công việc gì thì cháu trả lời “con muốn phân tích tâm lý tội phạm”, chả là cô này rất mê đọc truyện trinh thám, nhất là vê Sherlock Holme. Nghiên cứu mãi để xem có trường nào có ngành học về vấn đề này và có phù hợp với khối mà cháu đã học hay không thì cuối cùng không tìm được. Sang năm lớp 12 cháu theo học thầy dạy về mỹ thuật để thi vào Đại học Kiến trúc Hà Nội (việc này cũng tình cờ khi có bác của cháu hỏi có muốn học vẽ để thi Kiến trúc hay không). Đến khi đăng ký trường thi, một nguyện vọng cháu chọn là trường Kiến trúc. Nguyện vọng còn lại định bỏ, bố mẹ phải khuyên nhủ con cần có phương án dự phòng thì cân nhắc giữa Học viện Tài chính và  Học viện Ngân hàng. Cuối cùng thì cháu thi cả Kiến Trúc và Tài chính và đỗ cả hai và chọn học khoa Kiến trúc của ĐHKT. Mặc dù không ôn luyện các môn như văn và ngoại ngữ nhưng vẫn vượt điểm chuẩn vào trường Tài chính. Nhìn lại quá trình này mới thấy khối học, ngành định học, trường định học và nghề gần như không ăn nhập gì nhau nên mặc dù có nỗ lực nhưng kết quả vẫn phụ thuộc vào may mắn vì thiếu hẳn sự tập trung.

Tôi có một cháu con ông anh, đến giờ là thi đại học đến lần thứ 3. Không phải vì nó không đỗ mà vì thi đậu và vào trường học được một thời gian thì nó chán và không thấy phù hợp nên lại xin bố mẹ cho con thi lại để chọn lại trường khác. Có thể nói cháu này sẽ bị thiệt thòi hơn so với các bạn vì phải mất thêm vài năm để loay hoay tìm ngành nghề phù hợp với sở thích. Tuy vậy cũng có thể như vậy sẽ tốt hơn vì nếu cháu cố học khi không thích mà về sau lại bỏ và học lại một ngành mới từ đầu thì chi phí cơ hội cũng lớn.

Nói như vậy chúng ta có thể thấy việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng, ngay từ những năm cấp 2 (THCS) các cháu đã phải biết về sau mình muốn trở thành người như thế nào, mình muốn làm nghề gì, từ đó sẽ cân nhắc ngược lại về ngành học và trường đại học mong muốn. Từ việc chọn ngành và trường đại học sẽ quay trở lại việc chọn khối học và trường cấp 3 (THPT) nào để khả năng vào trường đại học cao hơn.

Theo tôi hiểu thì phần lớn cha mẹ và học sinh sẽ chọn khối và trường cấp 3 trước, sau đó sẽ cân nhắc tiếp tới trường đại học và tiếp sau nữa mới là chọn ngành. Sau khi tốt nghiệp đại học thì mới nghĩ xem ra trường sẽ làm gì, xin việc ở đâu.

Câu trả lời cho câu hỏi quy trình nào là đúng sẽ có thể có nhiều đáp án. Tuy nhiên vấn đề định hướng nghề nghiệp và đưa ra các mục tiêu cho con cái là việc các bậc phụ huynh rất quan tâm.

Sự ra đời của blog Nghề Nào?

Với cá nhân tôi, quan trọng nhất một cháu học sinh sẽ cần quan tâm về sau mình làm nghề gì, làm ở đâu, làm thế nào để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Từ các mục tiêu về cuộc sống và nghề nghiệp như vậy cháu sẽ cần tìm hiểu các trường đại học phù hợp nhất với ngành nghề và với khả năng của chính mình. Quá trình xét từ đầu ra này sẽ quay ngược lại để giúp đưa ra quyết định sẽ học khối gì và trường cấp 3 nào.

Từ những gì đã trải nghiệm trong thực tế cuộc sống, tôi nung nấu làm một blog nói về định hướng nghề nghiệp, về việc từ học cho tới ra trường xin việc, đi làm, phấn đấu và thăng tiến và trở thành con người mà mình mong muốn.

Sau 25 năm đi làm bắt đầu từ những vị trí về kỹ thuật (lập trình và quản trị hệ thống) trong các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài, tôi đã chuyển sang làm về sales và marketing và sau đó lên làm các vị trí quản lý cấp trung trong các hãng quốc tế như Schmidt, Microsoft và HP. Trước khi tôi quyết định về làm doanh nghiệp riêng tiếp nối truyền thống của gia đình, tôi là Giám đốc (COO) thuộc Ban điều hành của một tập đoàn lớn về CNTT của Việt Nam. Như vậy lộ trình nghề nghiệp của tôi có thể tóm tắt là Kỹ thuật ==> Kinh doanh (Sales & Marketing) ==> Quản lý ==> Lãnh đạo.

Cũng nhân dịp tôi có quyết định quan trọng về thay đổi sự nghiệp của mình, tôi có thời gian để dành xây dựng và phát triển blog NgheNao? từ việc tự làm website, thực hành các kiến thức về SEO và digital marketing, cho tới việc viết và chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của mình trên blog.

Trên blog này tôi sẽ dùng nick là GiaoThong là một nick tôi đã sử dụng nhiều năm trên các diễn đàn otofun.net và f319.com.

GiaoThong – 11/2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *