Skip to content

Thế là đã đi lồm (đi làm – giọng Quảng Nam) chỗ mới được 3 tuần, cuối tuần rảnh rỗi ngồi viết chơi để đánh dấu thời điểm.

Sau sít soát hai mươi năm đi lồm, và cũng tròn 18 năm đi lồm cho đế quốc sài lang mà mọi người hay gọi là “giúp tây đánh ta”, giờ mình đã về lồm cho một đơn vị tư nhân. Chuyện mình chuyển hóa ra mình lại là người biết cuối cùng vì dân tình đoán già đoán non và đồn đại từ lâu, thỉnh thoảng lại có người hỏi là sắp chuyển “về đấy” rồi à. Trong lúc mà mình chưa có quyết định gì cả thì chả biết giả nhời như thế nào, đành 😀

Trước đây, mỗi lần chia sẻ với các bạn đồng nghiệp, những người em trong công ty, mình thường nói với các bạn rằng khi quyết định đi lồm ở đâu và có tồn tại lâu ở tổ chức đó không, sẽ có 3 vấn đề cần quan tâm:

  1. Môi trường làm việc
  2. Khả năng phát triển nghề nghiệp
  3. Thu nhập, hay nói rộng hơn là các lợi ích nhận được

Ảnh minh họa, không nhất thiết phải là hình ảnh thật 🙂 

Giờ thử ngồi phát triển từng phần một:

1. Môi trường làm việc

Môi trường của tổ chức mà chúng ta công tác rất quan trọng, vì phần lớn thời gian có ích nhất, tỉnh táo nhất của chúng ta là ở cơ quan hoặc là trên đường đi làm, chính vì vậy môi trường làm việc sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của mình. Trong khi đó phần quan trọng hơn với nhiều người là gia đình thì lại được chúng ta dành ít thời gian hơn. Đã có những thời kỳ mình về đến nhà thì con đã đi ngủ, sáng mình chưa dậy thì chúng đã đi học, cho nên thời gian gặp con cái là vào ngày cuối tuần. Ở các đơn vị nước ngoài, vấn đề cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance) rất được mọi người coi trọng, nhưng luôn là vấn đề nan giải đối với cả người lao động cũng như công ty vì nhiều khi cuốn theo công việc và dành quá ít thời gian cho gia đình.

Qua những thông tin mình nhận được khi trao đổi với nhiều người, việc một người gắn bó với một công ty hay nhanh chóng rời bỏ nó thường ảnh hưởng bởi môi trường, mà trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là từ sếp trực tiếp của họ, rồi mới đến đồng nghiệp, văn hóa công ty, quy trình và các chính sách nội bộ.

Càng nhiều tuổi, khi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được nhiều thì nội dung này càng quan trọng. Tuy nhiên khi đó sự thích nghi cũng sẽ rất nhanh và trong nhiều trường hợp hòa nhập vào môi trường mới sẽ không gặp nhiều bỡ ngỡ, tất nhiên là ở vị trí càng cao thì càng dễ hòa nhập vì đỡ phải ngó trước nhìn sau hoặc bị đì theo kiểu ma cũ bắt nạt ma mới.

Sợ nhất là chuyện thù trong giặc ngoài, dân kinh doanh lúc nào cũng bị áp lực và luôn phải chiến đấu chống lại đối thủ cạnh tranh mà lại còn sợ đánh sau lưng thì cuộc sống đúng là lầm than.

2.Khả năng phát triển nghề nghiệp

Nói đến mục này, chúng ta có thể thấy có 2 hướng: phát triển theo chiều dọc và phát triển theo chiều ngang.

Phát triển theo chiều dọc là thăng tiến trong thang bậc ở công ty, thường là từ một người làm việc độc lập dần dần được đề bạt lên các vị trí quản lý công việc quan trọng và cao nhất là quản lý con người, tùy theo sự hoàn thiện thêm về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.

Phát triển theo chiều ngang là được thay đổi các công việc khác nhau trong cùng công ty hoặc tổ chức sau một thời gian làm việc và cảm thấy mình đã làm chủ được công việc, biết được ngõ ngách của nó và đã bắt đầu chán, muốn chuyển làm việc khác. Thông thường không nên chuyển việc quá nhanh, dưới 1 năm chẳng hạn, vì khi đó mình chưa nắm rõ được công việc và với nhiều vị trí chưa làm tròn 1 năm thì chưa biết được mùi vị của các mùa thăng trầm trong kinh doanh (seasonality).

Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ, đi làm sẽ được đào tạo rất nhiều. Tuy nhiên các công ty nước ngoài có đưa ra mô hình đào tạo 70:20:10. Trong đó 70% là tự đào tạo, 20% là học từ đồng nghiệp hoặc sếp, chỉ có 10% là được đào tạo bài bản. Tuy nhiên 10% đó cũng không phải là được đào tạo trong trường lớp mà với các công ty lâu đời thì họ sẽ chuẩn bị rất nhiều khóa học trực tuyến, lúc nào thích học môn gì thì lên đó mà đăng ký và tự học. Các khóa học có thầy dạy nhiều khi cũng là qua video conference chứ chưa chắc được gặp trực tiếp.

3. Thu nhập và các lợi ích nhận được

Đi lồm để lấy tiền lương là điều đương nhiên, lồm được nhiều xiền thì càng thích. Thường khi mức thu nhập chưa đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày thì lúc đó mục tiêu thu nhập sẽ được đặt lên đầu tiên, nhất là trong thời kỳ đầu đi lồm và khi đó người ta sẵn sàng hy sinh nhiều thứ cho công việc để mong sẽ có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên khi mức thu nhập cao dần lên trong quá trình làm việc hay khi thay đổi công ty thì khi đó các mục tiêu về phát triển nghề nghiệp và thăng tiến cũng như nhu cầu tìm được môi trường làm việc tốt (sếp tốt và tin cậy mình, được tự do phát huy khả năng hoặc được tin cậy giao cho làm các dự án mới) sẽ là các tiêu chí quan trọng hơn.

Nhiều bạn trẻ đi lồm nhưng không tính được thu nhập của mình, không biết được lương và thưởng của mình tính theo công thức như thế nào, không biết được ngoài lương thì mình còn nhận được các khoản nào khác, không biết được tỷ lệ đóng thuế thu nhập hay % đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc. Nếu như vậy sẽ rất khó để so sánh với mặt bằng chung nếu chúng ta không quy về một phương pháp tính chung.

Ngoài phần lương thưởng mà đội sales thường nhận theo tỷ lệ 50:50, 60:40, 70:30 hay 80:20, giữa lương cứng nhận hàng tháng và lương mềm được tính theo các chỉ số hiệu quả công việc (KPI), thì nhiều người còn có các khoản khác mà nếu không có cũng sẽ ảnh hưởng tới thu nhập hoặc chi tiêu hàng tháng của họ:

  • Tiền đi lại, thẻ taxi chẳng hạn hoặc có thể là xe thuê tháng
  • Tiền điện thoại di động, tiền thuê bao Internet/3G
  • Tiền gửi xe
  • Công tác phí thanh toán theo thực chi hoặc theo ngày
  • Bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế cho cá nhân và cả gia đình
  • Cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu ưu đãi
  • Tháng lương thứ 13, 14..
  • Các chính sách giảm giá đặc biệt khi mua và sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm của công ty
  • Hỗ trợ kinh phí đào tạo hoặc đài thọ hoàn toàn
  • Số ngày phép được hưởng (ở HP mình được lên tới 20 ngày / năm do mỗi năm được thêm 1 ngày); số ngày lễ được nghỉ ngoài quy định của Luật
  • Các chế độ khác nhất thời không nhớ ra

Trong khi đội sales ăn lương theo tỷ lệ lương cứng và lương mềm, thì thường đội marketing và đội back office sẽ hưởng lương cố định và có thể sẽ có mức thưởng nhưng thường là thấp hoặc rất thấp.

Trong công ty, bao giờ đội sales cũng được ưu tiên cao nhất về cả lương thưởng và các chế độ, sau đó mới tới các đội còn lại như marketing, tài chính hay nhân sự vì các sếp coi các đội còn lại là các bộ phận tiêu tiền, chỉ đội sales mới là đội kiếm tiền.

Cứ đến ngày lĩnh lương, nhìn thấy SMS của ngân hàng báo tin một khoản tiền vừa chuyển vào tài khoản, tự nhiên lòng mình lại rộn ràng hơn lên và gạt bớt được những lo toan về chuyện số má kinh doanh để nghĩ về chuyện ngày mai đi chơi đâu, mua gì hay ăn gì.

Lý thuyết thì như thế thôi, chứ giờ mình đi làm cho vui và chẳng cần quan tâm tới 3 nội dung mình vừa nói, vì vợ mình nuôi mình mà, mình có phấn đấu cả đời cũng không bao giờ hơn vợ được.

GiaoThong – 20/04/2012

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *